Nature In The World

We are one and we will have fun here!
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập


BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINHXem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
Tue Nov 16, 2010 10:16 pm
Kanonchan
Kanonchan
Đại diện nhóm Water
 Đại diện nhóm Water
Tài Sản của Kanonchan
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Tiền tiêu: Tiền tiêu: : 10167
Birthday Birthday : 23/04/1997
Gia nhập ngày Gia nhập ngày : 18/08/2010

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH Vide

Bài gửiTiêu đề: BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ
THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH



Theo số liệu thống kê vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20, chỉ riêng rừng U Minh Thượng có diện tích là 142000 ha với địa hình sông rạch chằng chịt. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù rừng U Minh Thượng bị tàn phá bởi chất độc hóa học, bom napan, bom phát quang của Mỹ... nhưng đến năm 1975 (sau hơn 40 năm), diện tích rừng ở đây vẫn còn hơn 100000 ha, trong đó có hơn 20000 ha rừng già. Chỉ 3 năm sau (1978), trước sự “tấn công” của con người, rừng U Minh Thượng chỉ còn khoảng 22 nghìn hecta. Đến khi được qui hoạch thành Vườn quốc gia vào đầu năm 2002 thì chỉ còn 8053 ha rừng, trong đó chỉ có khoảng 45% là rừng tràm nguyên sinh. ấy vậy mà nó vẫn phải trải qua “thảm họa” khởi đầu vào ngày 24/3/2002 vừa qua. Thảm họa này lại xóa sổ ngót 2500 ha rừng tràm, mà chủ yếu là rừng nguyên sinh. Những con số đó cho thấy sự : “teo” lại một cách khủng khiếp của rừng U Minh Thượng trong ngót 100 năm qua. Nếu như có những thống kê của quá khứ xa xưa nữa, chắc chắn chúng ta sẽ phải bàng hoàng hơn nữa trước những mất mát mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, mà sự mất mát đó lại do chính chúng ta gây ra. Đó là điều đáng phải suy nghĩ đối với tất cả chúng ta!

Vốn được mệnh danh là "lá phổi " của trái đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta. Bởi vậy, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn trở thành một nội dung, một yêu cầu không thể trì hoãn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến đầy gian khó hiện nay nhằm bảo vệ môi trường sống đang bị huỷ hoại ở mức báo động mà nguyên nhân chủ yếu là do chính hoạt động của con người gây ra.

Trên phạm vi toàn thế giới, chỉ tính riêng trong vòng 4 thập niên trở lại đây, 50% diện tích rừng đã bị biến mất do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo tính toán của các chuyên gia của Tổ chức nông - lương thế giới (FAO) thì hàng năm có tới 11,5 triệu hecta rừng bị chặt phá và bị hoả hoạn thiêu trụi trên toàn cầu, trong khi diện tích rừng trồng mới chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu hecta. Rừng nguyên sinh bị tàn phá, đất đai bị xói mòn dẫn tới tình trạng sa mạc hoá ngày càng gia tăng. Nhiều loài động - thực vật, lâm sản quý bị biến mất trong danh mục các loài quý hiếm, số còn lại đang phải đối mặt với nguy cơ dần dần bị tuyệt chủng. Nghiêm trọng hơn, diện tích rừng thu hẹp trên quy mô lớn đã làm tổn thương "lá phổi" của tự nhiên, khiến bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng, mất cân bằng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và đời sống động, thực vật.v.v...

Là một quốc gia đất hẹp người đông, Việt Nam hiện nay có chỉ tiêu rừng vào loại thấp, chỉ đạt mức bình quân khoảng 0,14 ha rừng, trong khi mức bình quân của thế giới là 0,97 ha/ người. Các số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2000 nước ta có khoảng gần 11 triệu hecta rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 9,4 triệu hecta và khoảng 1,6 triệu hecta rừng trồng; độ che phủ của rừng chỉ đạt 33% so với 45% của thời kì giữa những năm 40 của thế kỉ XX. Tuy nhiên, nhờ có những nỗ lực trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, "phủ xanh đất trống đồi núi trọc" nên nhiều năm gần đây diện tích rừng ở nước ta đã tăng 1,6 triệu hecta so với năm 1995, trong đó rừng tự nhiên tăng 1,2 triệu hecta, rừng trồng tăng 0,4 triệu hecta.

Công tác quản lí, quy hoạch tài nguyên rừng cũng có những chuyển động tích cực. Trên phạm vi cả nước đã và đang hình thành các vùng trồng rừng tập trung nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Chẳng hạn, vùng Đông bắc và Trung du Bắc bộ đã trồng 300 nghìn hecta rừng nguyên liệu công nghiệp, Bắc Trung bộ có 70 nghìn hecta rừng thông. Ngoài ra, hơn 6 triệu hecta rừng phòng hộ và 2 triệu hecta rừng đặc dụng được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học; có tới 15 vườn quốc gia và hơn 50 khu bảo tồn thiên nhiên được xây dựng, quy hoạch và quản lí... Trong 10 năm qua, hàng năm giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt xấp xỉ 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 5-7% giá trị sản lượng nông, lâm thuỷ sản.

Mặc dù có những kết quả tích cực trong quy hoạch, sản xuất cũng như trong bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, song nhìn chung chất lượng rừng ở nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp, rừng nước ta đã ít mà trong đó có tới hơn 6 triệu hecta rừng nghèo kiệt, năng suất rừng trồng còn thấp. Đặc biệt, nguồn tài nguyên rừng nước ta vẫn tiếp tục đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng như bị huỷ hoại, suy thoái, giảm sút và mất dần tính đa dạng sinh học của rừng. Hậu quả khôn lường của những vụ tàn phá rừng trước đây và gần đây nhất là thảm họa cháy rừng U Minh (3/2002), đã khiến cho gần 8 nghìn hecta rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ bỗng chốc trở thành đống tro tàn, đã thực sự là những lời cảnh báo nghiêm khắc đối với chúng ta trong "sứ mệnh" bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng nói riêng và bảo vệ môi trường sống- chiếc nôi dung dưỡng sự sống của con người - nói chung.

Rừng U Minh bao gồm những cánh rừng tràm bạt ngàn chạy dọc theo bờ rìa Vịnh Thái Lan thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau hiện nay, trong đó phần thuộc Kiên Giang được gọi là U Minh Thượng, còn phần thuộc Cà Mau là U Minh Hạ. Rừng U Minh được xếp vào hệ sinh thái rừng ngập lợ với một hệ thực - động vật rất phong phú, gồm hàng trăm loài quý hiếm; có nhiều loài đã được liệt vào sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng, như rái cá lông mũi (Lutra Sumatrana) cực kì quý hiếm, rấỏt khó tìm thấy trên thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, U Minh còn nổi tiếng với những loài chim muông, thú rừng như trăn, tê tê, rắn, rùa, lợn rừng, ong mật. Mật ong U Minh có chất lượng tuyệt vời và hương thơm đăc biệt do được đàn ong nhào luyện, tinh chiết từ nhuỵ hoa tràm có ý nghĩa dược liệu. Dưới lòng đất U Minh còn tàng trữ hàng tỷ mét khối than bùn được trầm tích hàng ngàn năm từ thân lá cây tràm và các loài cây khác. Sự phong phú của hệ sinh thái và sự đa dạng độc đáo của hệ động - thực vật U Minh đã đưa địa danh này vào vị trí thứ 2 trong hệ sinh thái rừng ngập nước của thế giới sau khu rừng Amazone nổi tiếng của Brazil. Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, rừng U Minh được biết đến là một trong những căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo số liệu thống kê, năm 1930 rừng U Minh Thượng có diện tích 142 nghìn hecta với địa hình sông rạch chằng chịt, được che phủ bởi rừng cây bạt ngàn mà chủ yếu là cây tràm. Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, mặc dù rừng U Minh Thượng bị tàn phá bởi chất độc hoá học, bom napan, bom phát quang của Mỹ, nhưng đến năm 1975 diện tích rừng ở đây vẫn còn khoảng hơn 100 nghìn hecta, trong đó có hơn 20 nghìn hecta rừng già hàng trăm tuổi. Năm 1978, trước sự tấn công, khai phá của con người, rừng U Minh Thượng chỉ còn 21,8 nghìn hecta. Đến khi có quyết định số 11/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2002 về thành lập vườn quốc gia thì Vườn quốc gia U Minh Thượng được quy hoạch chỉ còn 8053 ha (trong đó rừng nguyên sinh chưa đầy 4 nghìn hecta). Tổng diện tích của rừng U Minh Thượng hiện còn khoảng 21 nghìn hecta, nhưng có đến 13 nghìn hecta là vùng đệm. Khi rừng U Minh Thượng ngày càng "teo" lại, thì một điều đương nhiên là các loài sinh vật, hệ sinh thái cũng bị dồn đến chân tường của nguy cơ huỷ diệt. Theo các nhà nghiên cứu, giống Rái cá lông mũi cực kì quý hiếm ở U Minh Thượng đã phải toả ra các vùng đệm, nơi có cư dân sinh sống để kiếm ăn, cho nên nguy cơ bị săn bắt, bị tiêu diệt ngày càng cao.

Tình cảnh của rừng U Minh Hạ từ sau năm 1975 cũng rất đáng được báo động nguy hiểm. Các vụ cháy rừng khủng khiếp và cuộc "tấn công" rừng từ phía con người trong những năm 70 - 80 của thế kỉ XX đã khiến diện tích rừng U Minh Hạ thu hẹp chưa từng thấy. Năm 1977, rừng U Minh Hạ bị cháy trụi trên diện tích 21 nghìn hecta. Năm 1983, vụ cháy lịch sử kéo dài ròng rã 3 tháng trời đã biến 28 nghìn hecta rừng U Minh Hạ thành đống tro tàn, hơn 30 nghìn hecta bị cháy lõm hình da báo. Suốt thời gian đó, U Minh Hạ và các vùng lân cận hầu như không thấy ánh mặt trời do khói bụi dày đặc, môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng. Trong vòng 10 năm qua (1991 - 2001), diện tích rừng tràm U Minh Hạ tiếp tục mất đi khoảng 20 nghìn hecta do hoả hoạn, như vậy tính trung bình cứ mỗi năm U Minh Hạ bị thiêu cháy 2 nghìn hecta. Cho đến thời điểm này, rừng tràm U Minh Hạ chỉ còn khoảng 39 nghìn hecta, nhưng phần lớn là rừng tái sinh và trồng mới.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, những cánh rừng tràm bạt ngàn đầy tính huyền thoại của U Minh xưa không chỉ bị huỷ hoại, bị biến mất do hoả hoạn mà còn do hậu quả tai hại của nạn chặt phá rừng bừa bãi để trồng rẫy, trồng lúa, nuôi tôm và nạn lâm tặc hoành hành. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo nhiều ý kiến thì những thiệt hại của sự tàn phá rừng từ những lí do nêu trên có lẽ cũng không thua kém là bao so với những thảm hoạ cháy rừng. Tổng diện tích rừng U Minh ( gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ) sau thảm họa cháy vừa qua chỉ còn lại khoảng 60 nghìn hecta - một con số nhỏ nhoi so với diện tích hơn 200 nghìn hecta vốn có của nó 50 năm trước. Sự thay đổi này đang bào mòn, huỷ hoại hệ sinh thái rừng ngập nước U Minh, dẫn đến những hệ luỵ khó lường đối với môi trường khu vực các tỉnh lân cận cũng như cả nước, ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội trước hết là của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Với tốc độ huỷ hoại nhanh như gần 30 năm qua, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, thì rừng U Minh rất có thể sẽ biến mất thực sự và chỉ còn lại trong những câu chuyện kể huyền thoại đối với các thế hệ tương lai (!)

Thảm hoạ cháy rừng U Minh vừa qua càng đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công tác quy hoạch, sản xuất, quản lí, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng ở nước ta hiện nay. Trước hết, cần khẩn trương đề ra những biện pháp tăng cường sự quản lí, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng về quản lí - bảo vệ tài nguyên rừng. Tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cao và năng lực thực thi chức trách của các cá nhân và cơ quan quản lí chuyên ngành là những yếu tố tối cần thiết góp phần ngăn chặn những tai họa, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Sự kiện cháy rừng U Minh vừa qua bộc lộ rõ sự yếu kém về tinh thần trách nhiệm và sự chủ quan của đội ngũ những người đảm trách nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhiều tháng trước khi xảy ra vụ cháy lớn, ở rừng U Minh Thượng đã từng diễn ra các vụ cháy nhỏ. Mặt khác, cũng không dưới một lần đã xuất hiện những lời cảnh báo của dư luận về nguy cơ cháy rừng với quy mô lớn trong tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài ở nhiều địa phương ở nước ta. Tại U Minh Hạ, trước khi xảy ra thảm hoạ cũng đã có tới 29 vụ cháy. Hơn nữa, trên thực tế, các khu rừng hiện nay đều có sự phân công quản lí của các lâm, ngư trường và các hạt kiểm lâm, nhưng phần lớn các vụ cháy rừng từ trước đến nay đều chưa thể xác định nguyên nhân rõ ràng và truy cứu trách nhiệm cụ thể. Những sự việc nêu trên cho thấy những hạn chế và sự lơi lỏng trong công tác quản lí, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên cũng như tinh thần thiếu cảnh giác của các cá nhân và cơ quan hữu trách.

Rừng U Minh cháy lớn và khó dập tắt còn do nước ở dưới chân rừng cạn kiệt, đây một phần là hệ quả của việc đào mương, xẻ kênh vào các khu rừng để khai thác cá đồng và lấy nước tưới rẫy, lúa. Cho nên, khi hoả hoạn xảy ra vào thời điểm khô hạn nhất thì lửa đã bắt cháy từ phần thân trên của các loại cây vào lớp than bùn, gây cháy ngầm rất nguy hiểm. Đối với rừng U Minh để ngăn chặn hoả hoạn, một vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng quy hoạch hành lang an toàn cho rừng bằng những biện pháp thích hợp, trong đó một biện pháp không thể thiếu là duy trì được mức nước theo chế độ tự nhiên vốn có của nó. Đây là công việc cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước và địa phương, bên cạnh việc tăng cường các phương tiện vật chất kỹ thuật đặc chủng phục vụ việc phòng cháy, chữa cháy cho rừng.

Thực tiễn ở U Minh cho thấy, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng cần phải được tiếp cận và tiến hành gắn liền với các biện pháp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để "người dân có thể dựa được vào rừng để sống, nhưng cũng có biện pháp bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả nhất" như tinh thần ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thời gian gần đây. Quy hoạch, sản xuất, khai thác tài nguyên rừng phải đi đôi với bảo vệ, bồi đắp tài nguyên rừng. Đối với những vùng rừng núi còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế thích hợp, giảm sức ép đối với rừng từ các hoạt động khai thác thái quá có tính huỷ hoại. Có một vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay ở nước ta là tình trạng nghèo đói của cư dân vùng rừng núi và vùng cận rừng. Cho đến nay, dân cư vùng lâm nghiệp đã tăng lên chiếm tới 1/3 tổng dân số của nước ta. Trong số 2,8 triệu hộ nông dân nghèo ở nước ta thì hơn 80% sinh sống trong các vùng rừng núi, cuộc sống hàng ngày của họ phải dựa vào rừng. Chẳng hạn, tại khu rừng xã Chế Tạo (Mù Cang Chải - Yên Bái), nơi vừa phát hiện quần thể loài vượn đen tuyền (Nomascus concolor) lớn nhất ở nước ta, các hoạt động khai thác rừng ở đây đang là mối đe dọa đối với sự tồn tại của loài vượn quý hiếm này. Xã Chế Tạo có 192 hộ dân người Mông với 1438 nhân khẩu nhưng chỉ có 487,7 ha đất nông nghiệp, trong đó 76,1 ha ruộng nước một vụ, người dân sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Hàng năm, nhân dân xã Chế Tạo thiếu ăn khoảng 3 tháng, do vậy để có lương thực, họ đã phá rừng làm rẫy khiến cho diện tích rừng nhiều năm qua bị thu hẹp, thêm vào đó là nạn săn bắn, buôn bán thú rừng, vì vậy những loài thú quý hiếm, nhất là loài vượn đen tuyền đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Rõ ràng là, việc bảo vệ tài nguyên rừng ở đây chỉ thực sự có hiệu quả nếu có những biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong đời sống người dân, kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng.

Nói tóm lại, để bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên rừng - món quà của sự cấu thành chức năng tự nhiên của thiên nhiên ban tặng - rất cần thiết phải hoàn chỉnh và thực thi ngay một chiến lược đồng bộ, có tính khả thi về tài nguyên rừng. Song hành với việc nâng cao nhận thức thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục thiết thực, đòi hỏi phải có một khung khổ pháp lý cụ thể cho các khâu trong quy trình bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; đồng thời cần phải đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ mạnh, có tinh thần trách nhiệm và khả năng tác nghiệp cao, được đầu tư thoả đáng và trang bị phương tiện kỹ thuật chuyên ngành hiện đại. Vấn đề có ý nghĩa mấu chốt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2010 nhằm đạt được mục tiêu đề ra là nâng độ che phủ của rừng ở nước ta lên 43%, bảo vệ tính đa dạng sinh học và tính ổn định, bền vững của quá trình phát triển tài nguyên rừng thì nhất thiết phải đặt sự nghiệp bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sống là bộ phận cấu thành hữu cơ không thể thiếu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, của chiến lược công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa đến đổi mới cơ chế chính sách nhằm chuyển mạnh một cách hiệu quả ngành lâm nghiệp theo hướng lâm nghiệp xã hội - lâm nghiệp cộng đồng, huy động được mọi nguồn lực và lực lượng xã hội tham gia quản lý, bảo vệ rừng vì lợi ích trực tiếp của cộng đồng. Đây là một trong những hướng đi thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những thảm họa như đã từng xảy ra với rừng U Minh vừa qua./.



Tue Nov 16, 2010 10:19 pm
bá tước hoàng kim
bá tước hoàng kim
Hiệu trưởng khối trung cấp học viện NIT World
Hiệu trưởng khối trung cấp học viện NIT World
Tài Sản của bá tước hoàng kim
Tài sản
::
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 1404
Tiền tiêu: Tiền tiêu: : 11665
Birthday Birthday : 23/11/1998
Gia nhập ngày Gia nhập ngày : 10/11/2010

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH
http://doraemon-club.3forum.biz/

Dài quá, sao ss không post thêm hình cho đỡ rối mắt? Em nghĩ vậy sẽ ổn hơn nhiều



BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG: SUY NGHĨ TỪ THẢM HOẠ CHÁY RỪNG U MINH

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Nature In The World :: Thư viện :: Thư viện tin tức Nature :: Tin tức mới về Nature-
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất